Theo Nghị định số 100 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở từ mức 4,8%/năm lên 6,6%/năm từ ngày 01/8/2024. Mức vay này tương đương với lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại là 6,6%/năm.

Người vay lo lắng vì lãi suất đột ngột tăng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị N.M.N. - người mua nhà ở xã hội thuộc dự án Rice City sông Hồng (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) - cho biết rất bất ngờ và lo lắng khi nhận được thông báo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết lãi suất vay mua nhà tăng lên 6,6% từ ngày 1-8. Chị kể gia đình chị vay mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng Chính sách xã hội 400 triệu đồng từ năm 2018. Lãi suất áp dụng từ khi giải ngân là 4,8%/năm.

"Đến nay, khoản nợ còn 300 triệu đồng. Với mức lãi tăng lên từ ngày 1-8 là 6,6%, số tiền phải trả mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 6 triệu đồng. Vợ chồng tôi khá bất ngờ và lo lắng vì gia đình đang thật sự khó khăn, mọi chi phí từ học hành, ăn uống của hai con đều tăng, đến nay lãi vay mua nhà ở xã hội cũng tăng nữa, trong khi thu nhập thì lại giảm sút" - chị N. than thở.

Đang nợ 800 triệu đồng tiền vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội, anh H.P.M. cho biết anh cũng rất sốc khi biết từ ngày 1-8 ngân hàng này tăng lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm.

Theo anh M., việc tăng lãi suất là điều vô lý, đi ngược với thực tế thị trường bởi mặt bằng lãi suất trên thị trường đang rất thấp. Đồng thời Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội lại tăng lên là không phù hợp.

"Người lao động thu nhập thấp đang rất khó khăn khi thu nhập giảm sút và bấp bênh dù dịch bệnh COVID-19 đã qua hai năm nay rồi. Nên tôi rất mong lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội được ổn định trong thời gian dài và giữ nguyên như cũ là 4,8%/năm" - anh H.P.M. mong mỏi.

Từ 1-8 lãi suất ngân hàng tăng sốc khiến nhiều người vay mua nhà ở xã hội lo lắng. Trong ảnh: nhà ở xã hội tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trong công văn vừa gửi các ngân hàng chính sách xã hội các tỉnh thành, Ngân hàng Chính sách xã hội VN nêu rõ nghị định số 100 năm 2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8, thay thế nghị định số 100 năm 2015.

Theo đó, các khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1-8 thì áp dụng mức lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất này là 6,6%/năm nên lãi suất cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1-8 là 6,6%/năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội VN cho rằng mức lãi suất cho vay 6,6%/năm được áp dụng từ ngày 1-8 với vay mua nhà ở xã hội, sửa chữa nhà cửa là phù hợp. Vì Ngân hàng Chính sách xã hội phải đi huy động vốn trên thị trường rồi cho vay ra. Nếu lãi suất cho vay quá thấp thì ngân sách sẽ phải cấp bù một phần chênh lệch, trong khi nguồn lực ngân sách thì có hạn.

"Đây là gói vay tiêu dùng có thời gian tối đa là 25 năm. Do đó, lãi suất 6,6%/năm không có gì là cao" - lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội VN nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội không vì mục đích lợi nhuận.

Một chuyên gia ngân hàng đặt vấn đề liệu việc tăng lãi suất cho vay lên 6,6%/năm đối với người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội có hợp lý, có đẩy người vay vào thế khó? Bởi mặt bằng lãi suất thị trường duy trì ở mức thấp, như bốn ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 và 24 tháng là dưới 5%/năm, được áp dụng từ đầu năm 2023 đến nay.

Mặt khác theo vị này, gói cho vay mua nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng đang được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân. Hiện lãi vay mua nhà ở xã hội của gói này là 7,5%/năm, nếu giảm tiếp 3%/năm như mức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đề xuất thì chỉ còn quanh đâu đó hơn 6%/năm thôi.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Đề nghị giữ nguyên mức lãi vay 4,8%

Lãi suất từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm là mức tăng rất lớn, tức là bằng 137,5% so với mức cũ. Người mua nhà ở xã hội trước đây chưa lường trước được việc tăng này nên đây là một áp lực đối với những người mua nhà ở xã hội đã tính toán vay, được trả lãi ở Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi 4,8%/năm.

Bên cạnh đó, dường như có sự nhầm lẫn khi đánh giá bản chất của khoản vay khi thuê, mua nhà ở xã hội. Cần hiểu rõ khoản vay thuê, mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội mang tính trung, dài hạn đến 25 năm, khác với khoản vay ưu đãi dành cho hộ nghèo chỉ khoảng 3 năm trở lại.

Việc áp dụng lãi suất vay trung, dài hạn giống như khoản vay cho vay hộ nghèo khoảng 3 năm do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ sẽ làm cho người vay bất an, bởi lãi suất sẽ tiếp tục thay đổi, thậm chí thay đổi hằng năm.

Như vậy, việc áp dụng mức lãi suất vay 6,6%/năm từ ngày 1-8 là chưa phù hợp với bản chất khoản vay nhà ở xã hội và thậm chí cao hơn lãi suất vay của gói 30.000 tỉ đồng đã áp dụng trước đây chỉ là 5%.

Chúng tôi đề nghị xem xét tiếp tục giữ nguyên mức lãi vay 4,8%/năm với khoản vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp tạo sự ổn định, nhất là trong lúc người mua nhà cũng còn đang gặp nhiều khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỈNH (chuyên gia pháp lý bất động sản):

Chỉ nên áp dụng lãi suất 6,6%/năm với khoản vay mới

Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập theo quyết định số 131/2002 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn để cho vay được cấp từ ngân sách nhà nước, vốn huy động từ tiền gửi của các tổ chức và cá nhân; vốn đi vay, vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức phi chính phủ; vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi...

Trên thực tế ngân hàng này không phải pháp nhân thương mại hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận như ngân hàng thương mại và nguồn vốn hoạt động của tổ chức này rất hạn chế. Do đó có thể hiểu rằng Ngân hàng Chính sách xã hội tăng lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là việc chẳng đặng đừng để duy trì hoạt động trong bối cảnh nguồn vốn bố trí cho vay quá eo hẹp trong khi nhu cầu vay của người dân quá lớn, không chỉ riêng các khoản vay để mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo tôi, mức tăng lãi suất cần có lộ trình để tránh gây "sốc" cho người vay (mức tăng từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm là tăng tới 38%). Đặc biệt, việc tăng lãi suất trước mắt chỉ nên áp dụng cho các khoản vay mới, chưa giải ngân.