Giọng Vùng Miền
Khi bàn về giọng Nghệ An rất khó để khẳng định giọng nói ở đâu chuẩn nhất. Bởi lẽ, mỗi huyện hay mỗi xã trong cùng một huyện có những cách nói rất khác nhau. Huyện Nghi Lộc là một ví dụ điển hình nhất. Địa phương này được "bình chọn" là vùng đất có giọng nói đặc trưng hơn cả. Cụ thể với kiểu dùng ngôn ngữ không dấu, đi kèm thổ ngữ, tiếng Nghi Lộc còn nặng hơn tiếng Nghệ nói chung và khiến người ngoài nghe mà ngỡ ngàng, ngơ ngác. Nhưng tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy thêm một điều thú vị ở vùng đất này: Cũng là huyện Nghi Lộc, nhưng hai xã Nghi Thái và Phúc Thọ (gọi chung Phúc Thái Thọ) có giọng nói khác biệt hoàn toàn với các xã còn lại. Cụ thể vẫn cách nói "ca co cuông, ca co đuôi” (cà có cuống, cá có đuôi) như giọng nói Nghệ An thường thấy ở Nghi Lộc. Nhưng ngay trên cùng một xã Nghi Thái có đến 6 - 7 giọng nói khác nhau hoàn toàn. Sự khác biệt này đến từ cách phát âm nặng nhẹ, câu từ không có dấu và rất nhiều thổ ngữ. Ví dụ người dân ở đây hay nói: "toi – tỏi, cẳng – chân, oi – giỏ, gon – cói; chơ ma – nhưng mà, đi tầy – đi kìa, hấn lợ cây rây – lỡ việc thì ngạ"... Ngoài cách nói nhanh, mất dấu câu thì người dân ở xã Phúc Thọ còn dùng nhiều từ đệm ở đầu và cuối câu rất thú vị. Cụ thể từ "woa" trở thành thán từ thường xuyên được dùng ở xã này. Thử nghe một đoạn trò chuyện của hai cô gái tên Thảo và Nga ở xã Phúc Thọ nhé. - woa, Nga đi mô vê đo…? (Ôi, Nga đi đâu về đó?) - Nga đi sang nha cô Binh vê. Chị Thao lấy Nga mánh nác vơi! (Nga đi sang nhà cô Bình về, chị Thảo lấy cho Nga miếng nước với) - Răng đi ma không kêu chi Thao vơi, tiếc he (sao đi mà không kêu chị Thảo với, tiếc quá)